Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các nguyên nhân gây chảy máu rốn

Chảy máu rốn có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ba nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm nhiễm trùng, biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc lạc nội mạc tử cung nguyên phát ở rốn.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về việc chảy máu ở rốn và nên làm gì khi gặp phải trường hợp này.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng tại rốn là khá phổ biến. Nguy cơ nhiễm trùng của bạn sẽ tăng lên nếu bạn đeo khuyên gần vùng rốn. Vệ sinh da kém tại vùng rốn cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng. Rốn là vùng dễ bị nhiễm trùng bởi đây là vùng tối, ấm và ẩm ướt. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, và có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Triệu chứng

Triệu chứng sẽ khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng. Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm trùng do nhiễm vi khuẩn, bạn sẽ có triệu chứng khác với triệu chứng nhiễm trùng do nhiễm nấm. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau
  • Căng tức vùng rốn
  • Đỏ hoặc thay đổi màu da bên trong hoặc xung quanh rốn
  • Ngứa, nóng rát, râm ran ở rốn
  • Một ổ áp xe chứa đầy dịch, cũng là dấu hiệu của nhiễm vi khuẩn
  • Sưng ở bên trong hoặc quanh rốn
  • Cảm thấy nóng khi chạm vào rốn
  • Chảy dịch có mùi từ rốn. Dịch có thể có màu trắng, vàng, xanh, tím hoặc nâu.
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Chảy máu

Bạn có thể sẽ chỉ xuất hiện một trong số các triệu chứng trên, tùy thuộc vào nguyên nhân.

Chẩn đoán

Nếu bác sỹ nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng, thì có thể bác sỹ sẽ lấy mẫu từ rốn bằng việc sử dụng tăm bông. Mẫu này sẽ được xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng. Biết chính xác nguyên nhân sẽ giúp bác sỹ xác định được kế hoạch điều trị.

Điều trị

Nếu thực sự bạn bị nhiễm trùng, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên thay đổi lối sống ngoài việc sử dụng thuốc. Những thay đổi lối sống bao gồm:

  • Mặc quần áo rộng, thoáng mát
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ
  • Giữ vùng bị nhiễm trùng luôn khô ráo
  • Tháo, gỡ bỏ bất cứ loại trang sức nào đang được đeo ở rốn.

Nếu bạn bị nhiễm nấm, bác sỹ sẽ kê đơn cho bạn thuốc chống nấm dạng kem hoặc dạng bột. Các trường hợp nhiễm trùng khác thường có thể điều trị được bằng việc rửa sạch vùng rốn bằng nước muối ấm. Đảm bảo rằng bạn đã làm khô vùng rốn sau khi rửa. Bác sỹ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh dạng kem để thoa trực tiếp lên vùng bị nhiễm trùng. Trong những trường hợp nhiễm trùng nặng, bạn có thể sẽ được kê thêm kháng sinh dạng uống.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa xảy ra khi tĩnh mạch cửa lớn (là tĩnh mạch mang máu từ ruột đến gan) có huyết áp cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này là do xơ gan. Viêm gan C cũng có thể là nguyên nhân.

Triệu chứng

Triệu chứng do biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa bao gồm:

  • Sưng vùng bụng
  • Phân đen như nhựa đường, hoặc nôn ra dịch có màu nâu như bã cà phê, thường có nguyên nhân là do chảy máu đường tiêu hóa
  • Đau hoặc khó chịu ở bụng
  • Lú lẫn, lơ mơ

Chẩn đoán

Nếu bác sỹ nghi ngờ tình trạng chảy máu là hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bác sỹ sẽ yêu cầu tiến hành rất nhiều xét nghiệm, bao gồm:

  • Chụp CT
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Siêu âm
  • Sinh thiết gan

Bác sỹ cũng có thể khám để phát hiện ra các triệu chứng và xem xét lại tiền sử bệnh tật của bạn. Xét nghiệm máu có thể sẽ được tiến hành để kiểm tra số lượng tiểu cầu và bạch cầu. Tăng tiểu cầu và giảm số lượng bạch cầu có thể là dấu hiệu của phì đại lá lách.

Điều trị

Điều trị bao gồm:

  • Dùng thuốc để làm giảm huyết áp tại tĩnh mạch cửa
  • Truyền máu, trong những trường hợp chảy máu nặng
  • Cấy ghép gan trong những trường hợp nặng, nhưng rất hiếm gặp.
Lạc nội mạc tử cung nguyên phát tại rốn

Lạc nội mạc tử cung chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Tình trạng này xảy ra khi các mô cấu tạo nên lớp niêm mạc tử cung lại phát triển ở các cơ quan khác bên trong cơ thể. Lạc nội mạc tử cung nguyên phát tại rốn xảy ra khi các tế bào này phát triển tại rốn.

Triệu chứng

Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung nguyên phát tại rốn có thể bao gồm:

  • Chảy máu tại rốn
  • Đau quanh rốn
  • Đổi máu rốn
  • Sưng rốn
  • U cục phát triển quanh rốn

Chẩn đoán

Bác sỹ có thể sẽ siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ để xác định liệu bạn có bị lạc nội mạc tử cung tại rốn hay không. Có khoảng 4% tổng số trường hợp lạc nội mạc tử cung sẽ xảy ra tại rốn.

Điều trị

Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn tiến hành phẫu thuật để loại bỏ các u cục hoặc sử dụng liệu pháp hormone. Phẫu thuật thường sẽ được áp dụng nhiều hơn trị liệu hormone vì nguy cơ tái phát sau phẫu thuật ít xảy ra hơn, so với trị liệu hormone.

Khi nào nên đến gặp bác sỹ?

Trong bất cứ trường hợp nào bạn bị chảy  máu trong hoặc xung quanh rốn, bạn đều nên đến gặp bác sỹ. Bạn cũng nên đến gặp bác sỹ nếu có xuất hiện một trong số các triệu chứng sau đây:

  • Chảy dịch có mùi từ rốn (dấu hiệu nhiễm trùng)
  • Đỏ, sưng và ấm nóng quanh vùng đeo khuyên rốn
  • Phồng rộp lan rộng gần rốn hoặc tại rốn

Nếu phân bạn có màu đen hoặc chất nôn có màu tối như bã cà phê, bạn có thể đã bị chảy máu đường tiêu hóa. Đây là một tình trạng cấp cứu và nên được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Triển vọng

Nhiễm trùng là tình trạng có thể dự phòng và điều trị được. Liên lạc với bác sỹ càng sớm càng tốt nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng. Điều trị sớm có thể dự phòng tình trạng nhiễm trùng diễn biến nặng hơn.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể sẽ rất nghiêm trọng. Nếu bạn không được điều trị sớm, tình trạng chảy máu có thể sẽ đe dọa tính mạng.

Lạc nội mạc tử cung tại rốn thường có thể điều trị được bằng việc phẫu thuật.

Dự phòng

Bạn có thể sẽ không dự phòng được tình trạng chảy máu tại rốn, nhưng có thể làm được rất nhiều việc để giảm nguy cơ chảy máu:

  • Mặc quần áo rộng quanh vùng bụng
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vùng rốn
  • Giữ vùng quanh rốn luôn khô ráo
  • Nếu bạn bị béo phì, hãy giảm lượng đường mà mình tiêu thụ để tránh bị nhiễm nấm
  • Nếu bạn tin rằng mình bị nhiễm trùng do vi khuẩn, hãy làm sạch rốn bằng nước muối ấm và làm khô rốn sau khi rửa.
  • Chăm sóc kỹ lưỡng nếu bạn đang đeo khuyên rốn
  • Giảm tiêu thụ rượu bia để dự phòng các tổn thương gan, có thể dẫn đến xơ gan. Đây là một yếu tố nguy cơ cho việc tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Bình luận
Tin mới
  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

  • 22/04/2024

    Cách giảm lượng đường trong máu ngay lập tức

    Cách nhanh nhất để giảm lượng đường trong máu là dùng insulin tác dụng nhanh. Tập thể dục cũng là một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bạn nên đến các cơ sở y tế để điều trị.

  • 22/04/2024

    Thực phẩm giàu biotin nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng

    Biotin hay vitamin B7 là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Cách tốt nhất để bổ sung biotin là nhờ chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu vi chất này.

Xem thêm