Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh thoái hóa xương sụn cột sống ở trẻ em

Một thời gian dài sau khi Scheuermann phát hiện ra bệnh, người ta cho rằng nguyên nhân của bệnh là do viêm xương sụn cột sống nên bệnh còn gọi là viêm xương sụn cột sống (spinal osteochondritis).

Sinh bệnh học: Một thời gian dài sau khi Scheuermann phát hiện ra bệnh, người ta cho rằng nguyên nhân của bệnh là do viêm xương sụn cột sống nên bệnh còn gọi là viêm xương sụn cột sống (spinal osteochondritis). 

Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu sau đó không tìm ra bằng chứng của viêm và câu hỏi bệnh nguyên- bệnh sinh của bệnh vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi hiện nay cho rằng bệnh có tổn thương nguyên phát từ sự rối loạn tại đĩa sụn phát triển, nơi chuyển từ sụn thành xương trưởng thành.

Từ đó thân các đốt sống bị biến dạng, thường ở các đốt ngực thấp hoặc đốt sống thắt lưng cao. Bệnh Scheuermann kinh điển có triệu chứng gù, đau ở đốt sống ngực, tuy nhiên về sau một số tác giả nhận thấy gù ở đốt sống thắt lưng hoặc cả đốt sống ngực và đốt sống thắt lưng. Các yếu tố bệnh sinh phối hợp bao gồm các yếu tố cơ học, chuyển hóa và nội tiết.

Người ta thấy rằng bệnh có liên quan đến yếu tố chấn thương, làm việc gắng sức hoặc hay hoạt động thể thao nặng ở trẻ hệ xương chưa trưởng thành. Hình ảnh mô bệnh học trên kính hiển vi điện tử chứng tỏ giảm tỷ lệ collagen/ proteoglycan ở đĩa sụn phát triển kèm có canxi hóa sụn trong. Tuổi mắc bệnh hay gặp từ 13- 16 tuổi, hiếm khi chẩn đoán bệnh trước 10 tuổi.

Triệu chứng lâm sàng: Gù, vẹo cột sống ở trẻ thường được người thân hoặc thầy cô giáo tình cờ phát hiện. Chỉ có 20% bệnh nhân đau tại khu vực gù, đau âm ỉ, cảm giác tức nặng, thường cách quãng không liên tục và liên quan đến hoạt động thể lực, giảm khi nghỉ ngơi. Khám bệnh nhân thấy gù cột sống, có thể có vẹo gây giảm, hạn chế vận động rõ.

Co cơ cạnh cột sống, đặc biệt ở ngay trên và dưới vị trí gù. Các triệu trứng thần kinh do chèn ép hiếm khi gặp. Xét nghiệm thường không có bất thường.

Hình ảnh Xquang điển hình của bệnh: trên phim nghiêng thấy hình gù cột sống, mất tư thế ưỡn; thân đốt sống hình chêm, tăng đường kính trước sau thân đốt, khe khớp giữa các đốt sống bị hẹp, có thể có canxi hóa ở sụn khớp. Bề mặt thân đốt sống không đều, có thoát vị nội xốp tạo thành hình ảnh khuyết ở bề mặt đốt sống (hạt Schmorl). Tuy nhiên lưu ý hạt Schmorl có thể gặp trong một số bệnh khác như bệnh Wilson, bệnh thiếu máu tế bào hình liềm...

Trên phim thẳng thấy cột sống có thể vẹo. Tác giả Sorenson đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Scheuermann bao gồm: cột sống gù tạo thành một góc trên 40o, hẹp khe đốt sống kèm bất thường bề mặt thân đốt sống, góc xẹp hình chêm trên 5o của ít nhất 3 thân đốt sống kế tiếp.

Các tiêu chuẩn trên cho phép loại trừ gù do các nguyên nhân khác như gù đau lưng do tư thế (triệu chứng gù không thường xuyên, tăng khi đau lưng nhiều), loạn sản xơ xương, viêm cột sống dính khớp, bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống trước tuổi trưởng thành hoặc sau điều trị tia xạ tại cột sống, loãng xương xẹp đốt sống do dùng corticoid kéo dài.

Một điểm cần lưu ý là một số bệnh nhân có triệu chứng đau cột sống kiểu cơ học (tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi), Xquang có hẹp khe đốt sống kèm thay đổi bất thường về bề mặt đốt sống như hạt Schmorl hay đốt sống có hình chêm nhẹ nhưng không có triệu chứng gù hay được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh kết luận mắc bệnh Scheuermann.

Tuy nhiên một số tác giả khuyến cáo chỉ nên gọi đó là hình ảnh cột sống Scheuermann (lumbar Scheuermann’s) chứ không nên chẩn đoán là bệnh Scheuermann. Những hình ảnh đó ở người trưởng thành không có ý nghĩa nhiều về mặt bệnh lý nên chẩn đoán bệnh Scheuermann ở những đối tượng này có thể gây lo lắng không cần thiết cho bệnh nhân về tiến triển cũng như tiên lượng bệnh.

Điều trị bệnh: Còn một số điểm tranh cãi về vai trò của các phương pháp điều trị trong từng giai đoạn. Một số ý kiến cho rằng tiến triển tự nhiên của bệnh là lành tính và do đó không cần điều trị. Các tác giả này dẫn chứng việc điều trị trên một số bệnh nhân không có hiệu quả.

Tuy nhiên đa số thống nhất việc điều trị là cần thiết, bao gồm bảo tồn nội khoa và chỉnh hình ngoại khoa. Điều trị nội khoa gồm phục hồi chức năng và dùng thuốc giảm đau trong đó phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng. Việc điều trị sớm cho bệnh nhân khi hệ xương chưa trưởng thành sẽ ngăn cản được những biến dạng nặng hơn, từ đó ngừa đau.

Bệnh nhân với triệu chứng nhẹ, tiến triển chậm chỉ cần nghỉ ngơi, tránh công việc mang vác nặng. Khi gù nặng hơn cần mặc áo nẹp cột sống giữ cho lưng thẳng kèm các biện pháp phục hồi chức năng cột sống kết hợp thư giãn nghỉ ngơi, nằm trên giường cứng. Cần lập kế hoạch chi tiết, theo dõi lâu dài và thay đổi kế hoạch khi cần thiết, duy trì thời gian điều trị ít nhất 12- 24 tháng liên tục.

Điều trị giảm đau bao gồm thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol và nhóm chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam... Điều trị phẫu thuật ít khi chỉ định trong bệnh Scheuermann, chủ yếu khi đau nhiều không đáp ứng với điều trị bảo tồn nội khoa và gù gây mất thẩm mỹ. Nhìn chung điều trị cần căn cứ vào tuổi tác, mức độ biến dạng cột sống, mức độ đau và đánh giá hiệu quả chức năng đạt được sau mỗi giai đoạn.

Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

Xem thêm