Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ba con đường bổ sung Axit folic cho mẹ bầu trong suốt thai kỳ

Theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng thiếu hụt Axit folic (vitamin B9) trong thời gian mang thai, nhất là giai đoạn “tam cá nguyệt thứ nhất” sẽ dễ khiến bạn rơi vào nguy cơ sinh con nhẹ cân...

Theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng thiếu hụt Axit folic (vitamin B9) trong thời gian mang thai, nhất là giai đoạn “tam cá nguyệt thứ nhất” sẽ dễ khiến bạn rơi vào nguy cơ sinh con nhẹ cân, sinh non, thậm chí sảy thai, còn thai nhi của bạn có thể bị suy dinh dưỡng và nghiêm trọng hơn là mắc dị tật ống thần kinh với các biểu hiện như vô não, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi, nứt đốt sống…

Bổ sung đầy đủ Acid folic ngay từ khi dự định mang thai được cho là giúp giảm tới 93% nguy cơ dị tật ống thần kinh. Vậy mẹ bầu có thể bổ sung Axit folic qua những con đường nào?

Trước khi đi vào ba con đường chính đưa Axit folic vào cơ thể, bạn cần nắm được hàm lượng Axit folic cần thiết phải bổ sung trong từng giai đoạn. Khi bắt đầu có ý định mang thai, mỗi ngày bạn nên bổ sung 400mcg Axit folic.
Con số này sẽ dao động từ 600 – 1.000 mcg Axit folic/ngày khi bạn đã mang thai tùy thuộc vào chỉ dẫn của bác sĩ và có thể lên đến 4.000mcg đối với nhóm có nguy cơ sinh con khuyết tật cao. Lưu ý rằng không nên tự ý ngừng bổ sung Axit folic giữa chừng hoặc bổ sung quá liều lượng quy định để tránh những tác dụng không mong muốn đối với mẹ bầu và thai nhi.

Hãy cùng xem ba con đường đưa Axit folic vào cơ thể mẹ bầu trong suốt thai kỳ là gì nhé!

1. Áp dụng chế độ ăn uống giàu Axit folic

Axit folic có mặt trong hầu hết các loại ngũ cốc bao gồm gạo, ngô, yến mạch… và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc như bánh mỳ, mỳ sợi, mỳ ống... Cách đơn giản nhất để bổ sung ngũ cốc trong khẩu phần ăn uống hàng ngày của bạn là ăn ngũ cốc với sữa vào bữa sáng, hay trộn đều với cháo, súp, sữa chua…

Ngoài ra, Axit folic còn được tìm thấy trong trứng, cà chua, các loại đậu – đỗ, thực phẩm có màu xanh lá như súp lơ xanh, măng tây, cải bó xôi, mướp, bắp cải, rau mầm… và một số loại trái cây như bơ, cam, quýt, dưa vàng…
Mặc dù những dạng thực phẩm trên khá giàu hàm lượng Axit folic tốt cho mẹ bầu nhưng thực tế, cơ thể bạn thường chỉ hấp thu được một phần Axit folic qua thức ăn do loại vitamin này rất dễ hao hụt khi ngâm rửa quá lâu, đun nấu quá kỹ hoặc bảo quản không đúng cách.

2. Sử dụng thực phẩm chức năng dành riêng cho mẹ bầu

Sản phẩm vitamin tổng hợp như Elevit, Blackmores, Prenatal DHA, Pregnacare hay Procare sẽ là lựa chọn tuyệt vời nếu mẹ bầu muốn kịp thời bổ sung lượng lớn Axit folic đi kèm nhiều loại vitamin và khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể trong suốt thời kỳ “tam cá nguyệt”. 

Đặc biệt lưu ý uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu thấy có tác dụng phụ như nôn nao, tăng nghén, táo bón thì nên xin bác sĩ tư vấn đổi loại thuốc khác phù hợp với mình.

3. Uống sữa bầu

Bên cạnh một chế độ ăn uống giàu Axit folic kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng, mẹ bầu cũng có thể tăng lượng Axit folic tự nhiên thông qua con đường uống sữa bầu. Trên thị trường hiện có rất nhiều nhãn hiệu sữa bầu uy tín cho bạn lựa chọn và thông thường, các hãng sản xuất sẽ tính toán kỹ để khi bạn pha một ly sữa theo đúng tỷ lệ hãng đưa ra có thể bổ sung 150 – 200mcg Axit folic vào cơ thể.

Tuy nhiên, nếu Axit folic đã được cung cấp tương đối đầy đủ trong quá trình bạn ăn uống và sử dụng các loại vitamin tổng hợp thì nên cân nhắc việc uống sữa bầu hay không, nếu uống thì uống mấy ly/ngày hoặc nên chăng thay thế sữa bầu bằng sữa tươi hay các chế phẩm có lợi từ sữa.

Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm