Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

9 cách để bảo vệ âm đạo sau tuổi 40 - Phần 1

Âm đạo trải qua rất nhiều sự thay đổi trong suốt cả cuộc đời, từ việc có kinh nguyệt, được thăm khám bởi bác sĩ phụ khoa, cho tới quan hệ tình dục và sinh con. Do vậy, bạn cần biết cách chăm sóc người bạn vô cùng thân thiết này của chị em.

9 cách để bảo vệ âm đạo sau tuổi 40

Bạn chắc hẳn biết rõ các quy tắc cơ bản để giữ cho âm đạo khỏe mạnh: không thụt rửa nhiều, không để tampon quá lâu khi có kinh nguyệt , khám phụ khoa và xét nghiệm phiến đồ âm đạo (pap test) định kỳ. Nhưng chừng đó thôi chưa đủ, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo mà bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng.

Thông thường, các yếu tố dưới đây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo: 

Quan hệ tình dục: trong khi quan hệ tình dục không được bảo vệ có thể dẫn đến mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, và có thể gây ra vô sinh, thì quan hệ tình dục ép buộc hoặc quá mạnh cũng có thể dẫn đến chấn thương âm đạo nghiêm trọng.

Một số vấn đề y tế: bệnh lạc nội mạc tử cung và bệnh viêm vùng chậu (PID) có thể gây đau đớn khi quan hệ tình dục. Sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng có thể gây bội nhiễm nấm men làm cho âm đạo bị viêm, sưng và ngứa.

Các biện pháp tránh thai và các sản phẩm vệ sinh phụ nữ: bao cao su, màng ngăn âm đạo và chất diệt tinh trùng có thể gây nên tình trạng kích ứng hoặc dị ứng ở âm đạo. Giữ tampon trong âm đạo lâu hơn tám giờ có thể làm tăng nguy cơ hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm trùng do vi khuẩn, đe dọa tính mạng  và cần được cấp cứu.

Mang thai và sinh con: quá trình này thường làm tăng tiết dịch âm đạo, khiến bạn khó chịu hoặc có nguy cơ viêm nhiễm. Các vết xước hoặc vết rách ở âm đạo hoặc mất trương lực cơ âm đạo khá thường gặp trong quá trình chuyển dạ, sinh con và có thể để lại hậu quả trong nhiều năm sau.

Các vấn đề về tâm lý: sự căng thẳng - stress kéo dài, chấn thương, lo âu và trầm cảm có thể dẫn đến đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục, lâu ngày có thể gây tổn thương âm đạo.

Những thay đổi về hormone: sự suy giảm sản xuất estrogen sau thời kỳ mãn kinh và trong thời gian cho con bú làm cho lớp niêm mạc âm đạo trở nên mỏng hơn, dẫn đến đau đớn khi quan hệ.

Các bệnh lý tại âm đạo: đây là vấn đề phổ biến và xảy ra ở phụ nữ mọi lứa tuổi. Chị em thường hay phải đối mặt với mùi âm đạo khó chịu (chẳng hạn như mùi hôi, tanh, hoặc mùi như cá ươn... ) hoặc dịch âm đạo bất thường, hoặc cảm giác đau, khó chịu ở âm đạo. Nguyên nhân gây nên những bất thường này ở âm đạo có thể bao gồm:

  • Thói quen vệ sinh âm đạo không đúng cách (không vệ sinh thường xuyên, vệ sinh không sạch sẽ, hay thụt rửa âm đạo...), hoặc vệ sinh kinh nguyệt sai (quên không thay băng vệ sinh, để tampon quá lâu...),
  • Nhiễm khuẩn âm đạo do vi khuẩn, do trichomonas...
  • Nhiễm nấm âm đạo: với các biểu hiện phổ biến như: cảm giác nóng hoặc rát khi đi tiểu; ngứa và bỏng rát trong âm đạo; đỏ, viêm, đau và sưng âm hộ; dịch tiết âm đạo trắng, dày như váng sữa; và đau âm đạo...

Cần lưu ý rằng, khi bạn đến gần thời kì tiền mãn kinhmãn kinh - âm đạo có thể xuất hiện những vấn đề mới như việc hay bị nhiễm trùng âm đạo, xơ teo âm đạo hoặc các rối loạn nội tiết khó giải quyết. Nguy cơ âm đạo bị tổn thương sẽ càng nhiều hơn, đặc biệt là khi bạn bắt đầu bước qua 40 tuổi. Bài viết dưới đây chia sẻ chín lời khuyên về cách chăm sóc tốt nhất cho âm đạo khi người phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.

#1. Gặp bác sĩ nếu bạn bị rong kinh hoặc chảy máu bất thường

Có những cảnh báo rằng bạn có thể bị rong kinh khi bạn già đi - nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Khi cận kề thời kỳ mãn kinh, chu kì của bạn có thể gần nhau hơn hoặc xa hơn, nhưng không nhất thiết phải là rong kinh. Nếu bạn bị rong kinh, hoặc nếu chu kì kinh nguyệt trở nên thường xuyên hơn (vị dụ như hai tuần một lần), hoặc bạn bị chảy máu giữa các kì kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục, hãy cho bác sĩ của bạn biết.

Xuất huyết nặng có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung - một loại u lành tính tử cung, thiếu máu, rối loạn nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang, hoặc hiếm gặp hơn là ung thư cổ tử cung, tử cung hoặc buồng trứng.

#2. Không tự điều trị nhiễm trùng âm đạo

Ngay khi bị ngứa và ra dịch âm đạo, hầu hết chị em cho rằng đó là nhiễm nấm và tự dùng các loại kem, viên đặt chống nấm. Không may, việc tự chẩn đoán và điều trị của bạn không phải lúc nào cũng đúng. Mặc dù nhiễm nấm (Candida) là tình trạng phổ biến - gần 75% phụ nữ bị ít nhất một trong cuộc đời của họ - đó chỉ là một trong ba bệnh nhiễm trùng âm đạo thường gặp. Hai tình trạng nhiễm trùng âm đạo khác cũng rất thường gặp bao gồm: nhiễm khuẩn âm đạo do vi khuẩn (do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong âm đạo) và nhiễm trichomonas, một bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Cả nhiễm khuẩn âm đạo và trichomonas đều có thể gây ra các triệu chứng tương tự như nhiễm nấm, đó là lý do tại sao chỉ bác sỹ phụ khoa mới xác định được bạn có thực sự nhiễm nấm hay không. Nếu không được điều trị, nhiễm khuẩn âm đạo tái diễn hoặc kéo dài có thể gây bệnh viêm vùng chậu, làm tăng nguy cơ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn, bao gồm cả việc mang thai và sinh con.

Nhiễm nấm, nhiễm khuẩn âm đạo và trichomonas đều có thể điều trị khỏi hoàn toàn bởi bác sỹ sản phụ khoa theo những phác đồ điều trị đặc hiệu. Một loại thuốc uống, đặt âm đạo hoặc kem bôi kháng nấm sẽ được dùng cho tình trạng nhiễm nấm; thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn âm đạo hoặc trichomonas.

Vì vậy, đừng tự chẩn đoán và điều trị khi bạn không phải là bác sỹ!

#3. Sử dụng bột Talc âm đạo

Sử dụng bột Talc hoặc bất kì loại bột âm đạo nào, bao gồm bột phấn rôm cho trẻ em có chứa talc để cảm thấy tươi mát hơn không phải là một phương pháp vệ sinh tốt. Thói quen này có thể tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng xâm lấn lên 30%, theo kết quả của một nghiên cứu gần đây.

Bột âm đạo có thể lan qua  đường sinh dục và gây phản ứng viêm. Có nhiều cách khác thể giữ âm hộ khô thoáng. Nếu bạn không muốn bị ẩm ướt, bạn nên dùng quần lót bằng cotton và thay chúng thường xuyên, tránh mặc những loại quần quá chật, và không mặc quần lót vào ban đêm để giữ khu vực này thoáng khí.

#4. Không tập luyện bài tập Kegel thường xuyên

Có thể bạn tập bài tập Kegel trong hoặc sau khi sinh để duy trì sự co thắt và siết chặt của cơ âm đạo, nhưng không duy trì việc tập này sau đó có thể khiến bạn mắc phải tình trạng tiểu tiện không tự chủ vào cuối đời.

Nếu bạn tiểu tiện không tự chủ khi mang thai, tình trạng này thường sẽ tái diễn khi bạn có tuổi. Theo một cuộc khảo sát ở Washington, tiểu tiện không tự chủ ảnh hưởng trên 40% phụ nữ ở độ tuổi 40 và gần một nửa số phụ nữ trên 50 tuổi. Vấn đề sẽ xảy ra khi cơ vùng đáy chậu trở nên yếu hơn (do những vấn đề như mang thai, sinh nở, mãn kinh, hoặc tăng cân), có thể dẫn đến rỉ nước tiểu khi bạn tập thể dục, ho hoặc cười.

Bài tập Kegel giúp tăng sức mạnh những cơ vùng chậu bị yếu, làm giảm mực độ các triệu chứng kể trên. Mục tiêu là tập 3 lần, mỗi lần 12-15 lượt/ngày sẽ mang lại hiệu quả. Một khi  đã bắt đầu tập luyện bài tập Kegel, hãy duy trì thường xuyên, đừng bao giờ bỏ tập. 

Đón đọc phần tiếp theo của bài viết tại vienyhocungdung.vn

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Thụt rửa âm đạo: Nên hay không nên?

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm